DI CHÚC CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH
VỚI VẤN ĐỀ XÂY DỰNG ĐẢNG CẦM QUYỀN
TRONG THỜI KỲ MỚI
Trước lúc đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại bản Di chúc thiêng liêng. Đó là lời căn dặn cuối cùng, những tình cảm, niềm tin của Người với toàn Đảng, toàn dân và các thế hệ người Việt Nam đương thời và muôn đời sau. Di chúc đã đề cập đến nhiều phương diện, chứa đựng những giá trị lý luận, thực tiễn, trong đó, những lời di huấn về Đảng và xây dựng Đảng là những nội dung quý giá mãi mãi soi sáng cho sự nghiệp cách mạng của Đảng ta.
Di sản tư tưởng Hồ Chí Minh về Đảng và xây dựng Đảng bao gồm những luận điểm có tính hệ thống và toàn diện được Người đề cập trong nhiều tài liệu, bài viết, bài nói. Song, Di chúc là những vấn đề mà Người tâm huyết, trăn trở nhất. Đó là những vấn đề hết sức quan trọng mà Người di huấn cho các thế hệ đương thời và mai sau phải đặc biệt chú ý. Từ lý luận, thực tiễn và kinh nghiệm phong phú của vị lãnh tụ vĩ đại, Người căn dặn: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”[1].
Không phải ngẫu nhiên, trước hết trong Di chúc, Hồ Chí Minh khẳng định Đảng ta là đảng cầm quyền. Điều đó, Người không chỉ khẳng định vị trí, vai trò to lớn của Đảng đối với Nhà nước và toàn xã hội Việt Nam, nhiệm vụ của Đảng rất vẻ vang nhưng rất nặng nề, mà Người còn muốn chúng ta thấu rõ, trong điều kiện Đảng cầm quyền, sự lãnh đạo của Đảng và công tác xây dựng Đảng sẽ có những thuận lợi và thách thức mới, nhất là các căn bệnh về quan liêu, tự mãn, chủ quan, duy ý chí, độc đoán chuyên quyền… có điều kiện phát triển trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và ngay cả các cơ quan lãnh đạo của Đảng. Nếu không tích cực, chủ động khắc phục những căn bệnh đó, có thể dẫn đến nguy cơ làm cho Đảng sai lầm về đường lối, bao biện làm thay Nhà nước, "đảng trị" hoặc buông lỏng sự lãnh đạo. Những vấn đề đó không chỉ làm suy yếu Đảng mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến vai trò, chức năng, sức mạnh của Nhà nước và các tổ chức trong hệ thống chính trị, ảnh hưởng trực tiếp đến sự thành bại của cách mạng.
Từ đó, Người chỉ huấn, để xây dựng Đảng trong điều kiện cầm quyền, vấn đề tiên quyết là phải chăm lo giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên về đạo đức cách mạng. Người đã từng khẳng định, gốc của cách mạng là dân, gốc của công việc là cán bộ, gốc của cán bộ là đạo đức. Điều đó như một lẽ tự nhiên - một quy luật, do vậy, Người coi đó là vấn đề sống còn của cách mạng. Người dạy: "cũng như sông phải có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn; cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo; người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân"[2].
Đạo đức của người cách mạng được hợp thành bởi nhiều thành tố, theo Người, trong điều kiện Đảng cầm quyền, phẩm chất cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư là những thành tố cơ bản nhất, quyết định nhất. Đó cũng chính là vấn đề then chốt nhất đảm bảo sự trong sạch, vững mạnh của Đảng, làm cho Đảng thực sự là vừa người lãnh đạo, vừa là đầy tớ trung thành của nhân dân.
Luận điểm Đảng "vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân" được xuất phát từ bản chất cách mạng của Đảng ta, từ mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân trong sự nghiệp cách mạng. Theo cách hiểu thông thường, về mặt chính trị, lãnh đạo và phục vụ là hai phạm trù có nội hàm khác nhau; người lãnh đạo và người đầy tớ (người phục vụ) cũng có những chức trách không giống nhau. Thế nhưng, đối với Đảng Cộng sản Việt Nam, một đảng ra đời từ phong trào cách mạng của nhân dân, có thiên chức lãnh đạo cuộc cách mạng ấy vì mục đích phục vụ nhân dân, lấy lợi ích của nhân dân làm lợi ích cao nhất của mình, thì hoàn toàn không có một bức tường ngăn cách nào giữa nhiệm vụ lãnh đạo và nhiệm vụ phục vụ. Để thực hiện tốt thiên chức của mình, Đảng phải có đường lối đúng đắn, phản ánh đúng tâm tư, nguyện vọng, đáp ứng lợi ích đông đảo quần chúng, thực sự là ngọn đuốc soi đường cho nhân dân hành động; đội ngũ cán bộ, đảng viên phải thực sự gương mẫu trước nhân dân, nói đi đôi với làm, phải hội đủ tâm, tầm, trí, đức. Đảng phải là công bộc của nhân dân, mục đích hoạt động của Đảng là phục vụ nhân dân, đem lại quyền lợi cho nhân dân…
Bốn mươi năm đã đi qua, nhưng những lời di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Di chúc còn nguyên giá trị và mang tính thời sự sâu sắc. Công cuộc xây dựng đất nước kiến tạo chủ nghĩa xã hội đang đòi hỏi phải không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, xây dựng Đảng thực sự vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, ngang tầm với với vị thế cầm quyền và nhiệm vụ cách mạng trong thời kỳ mới. Quán triệt và thực hiện di huấn thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cần tiến hành đồng bộ các giải pháp về xây dựng Đảng và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, trọng tâm cần thực hiện 3 vấn đề cốt yếu có mối quan hệ chặt chẽ trong một chỉnh thế thống nhất về xây dựng Đảng cầm quyền sau đây:
Trước hết, vấn đề trung tâm của công tác xây dựng Đảng hiện nay là đổi mới công tác cán bộ và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ
Xây dựng Đảng thực sự vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, giữ vững vai trò cầm quyền là yêu cầu khách quan của công cuộc đổi mới hiện nay, muốn vậy phải xây dựng được một đội ngũ cán bộ đồng bộ, có chất lượng, bảo đảm tính kế thừa và phát triển, tuyệt đối trung thành với lý tưởng của Đảng, có phẩm chất, năng lực, nhạy cảm với cái mới và có tư tưởng đổi mới, đủ sức đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ mới. Bởi, từ lý luận đến thực tiễn cho thấy, đội ngũ cán bộ có vai trò đặc biệt quan trọng trong xây dựng đường lối chính trị, sau khi có đường lối chính trị đúng đắn, vấn đề có ý nghĩa quyết định nhất với thành công của nhiệm vụ chính trị, chính là thực hiện tốt công tác cán bộ. Trong đó, nhiệm vụ quan trọng hơn cả là phải xây dựng cho được đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cán bộ lãnh đạo cấp chiến lược và người đứng đầu tổ chức ở các cấp, các ngành của hệ thống chính trị có đủ đức, đủ tài và có khả năng đảm nhận và gánh vác những công việc quan trọng của đất nước, trong đó lấy việc xây dựng đạo đức cách mạng, cho đội ngũ cán bộ là yếu tố gốc. Do vậy, tiêu chuẩn về phẩm chất đạo đức cán bộ hiện nay là phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, phấn đấu hết mình, toàn tâm, toàn ý xây dựng đất nước và sự nghiệp cách mạng của Đảng.
Mặt khác, vai trò của nguồn lực cán bộ trong hội nhập, xây dựng nền kinh tế tri thức hiện nay được coi là nhân tố quan trọng hàng đầu. Do vậy, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ có thể được coi là khâu đột phá trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Để quá trình này diễn ra nhanh chóng và đạt hiệu quả, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp không phải là sự hô hào khẩu hiệu chung chung mà phải cụ thể hóa từ sự lãnh đạo của Đảng, chính sách của Nhà nước về xây dựng đội ngũ cán bộ, công tác cán bộ, về giáo dục - đào tạo, phát triển văn hóa, nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân lực, phát triển nhân tài,…gắn với thực hiện Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Các giải pháp cơ bản là: Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác cán bộ. Tích cực đổi mới chính sách cán bộ, trong đó trọng tâm là phải giải quyết tốt chính sách tiền lương và chính sách thu hút nhân tài, phát triển tài năng đảm bảo cho cán bộ thực sự chuyên tâm vào công việc, có điều kiện học hành, nâng cao tri thức, không ngừng phấn đấu vươn lên, không phải bươn chải, lăn lộn kiếm tiền lo toan cuộc sống, không phải, không cần, không dám lao vào các vòng xoáy tiêu cực, tha hóa về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống trong công tác cán bộ và tình trạng “chảy máu chất xám” làm thất thiệt cán bộ tài năng - nguồn tài nguyên quý giá nhất của đất nước. Đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ gắn với tiêu chuẩn hoá cán bộ và đổi mới, nâng cao chất lượng toàn diện hệ thống giáo dục - đào tạo quốc gia, đổi mới cơ quan quản lý đào tạo và thực hiện xã hội hóa giáo dục - đào tạo, hướng trọng tâm vào đào tạo, xây dựng nguồn nhân lực mới, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đào tạo nhân tài cho đất nước, phải kiên quyết, tích cực khắc phục nạn học tập chỉ để chạy theo bằng cấp. Đổi mới quy trình tuyển chọn cán bộ để thu hút, phát hiện người có tài - đức, đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu về xây dựng đội ngũ cán bộ, đặt trọng tâm vào xây dựng được quy chế tuyển chọn cán bộ thích ứng với yêu cầu xây dựng và phát triển đất nước, xây dựng Đảng cầm quyền. Phải đảm bảo cho quá trình tuyển chọn cán bộ của Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị đạt được sự trong sáng về chính trị, làm cho quần chúng được biết, được lựa chọn, được kiểm tra giám sát cán bộ, thực hiện được dân chủ trong công tác cán bộ; khắc phục tình trạng cán bộ chỉ lo chạy chọt vào chức nọ, chức kia mà không lo học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ mọi mặt của mình và tình trạng cán bộ chỉ lo đối phó, chịu trách nhiệm với cấp trên mà không quan tâm, chịu trách nhiệm trước quần chúng và cấp dưới; phát huy năng khiếu, sở trường, năng lực chuyên môn của cán bộ; mở rộng việc phát hiện, lựa chọn nhân tài, phá vỡ thế đóng kín về cán bộ của một ngành hay một địa phương... Muốn vậy, phải xây dựng được cơ chế tuyển dụng tốt, đồng thời, thực hiện nghiêm chế độ thưởng, phạt đối với cán bộ có thành tích hoặc bị khuyết điểm, làm cho đội ngũ cán bộ luôn luôn được sàng lọc, được bổ sung, tăng cường, không ngừng trí tuệ hóa, tài năng hóa đội ngũ cán bộ.
Hai là, tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng
Mỗi giai đoạn lịch sử nhất định, phương thức lãnh đạo của Đảng phải được điều chỉnh, thay đổi phù hợp với thực tế đòi hỏi của cuộc sống, hoàn cảnh và điều kiện cụ thể của nhiệm vụ cách mạng. Xác định đúng phương thức lãnh đạo của Đảng là vấn đề mấu chốt đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng và xây dựng hệ thống chính trị. Bởi trong điều kiện một đảng duy nhất cầm quyền, không xác định rõ khâu mấu chốt đó dễ sinh ra căn bệnh độc đoán, chuyên quyền, bao biện, làm thay công việc của Nhà nước hoặc làm mất vai trò lãnh đạo của Đảng, làm tha hóa đội ngũ cán bộ, đảng viên, dẫn đến tình trạng làm suy yếu Đảng. Để xứng đáng với vị trí độc tôn cầm quyền, Đảng không chỉ lãnh đạo bằng đường lối, quan điểm, nghị quyết, lãnh đạo xây dựng Nhà nước mạnh; bằng công tác cán bộ và công tác kiểm tra..., mà phải luôn có những phương pháp, cách thức mới, sáng tạo, hiệu lực, hiệu quả.
Đổi mới phương thức lãnh đạo nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu đáp ứng nhiệm vụ cách mạng thời kỳ mới cần thực hiện đồng bộ các giải pháp: nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ trí tuệ và năng lực lãnh đạo của Đảng; sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của Đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị các cấp phù hợp yêu cầu của tình hình mới; xây dựng đội ngũ cán bộ các ngành, các cấp có phẩm chất đạo đức tốt, có năng lực và phong cách làm việc dân chủ, khoa học; tập trung đổi mới phương thức lãnh đạo đối với Nhà nước, lãnh đạo và tạo mọi điều kiện thuận lợi để mặt trận và các đoàn thể nhân dân xác định đúng mục tiêu, phương hướng hoạt động; phát huy tinh thần tự chủ, sáng tạo trong xây dựng, đổi mới tổ chức và hoạt động, thực hiện vai trò giám sát và phản biện xã hội, tham gia tích cực vào việc thực hiện đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng; nêu cao sự gương mẫu của tổ chức Đảng và của mỗi đảng viên.
Trong đó, cần đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nắm vững phương pháp luận mác-xít, phương pháp tư duy Hồ Chí Minh; giữ vững và tăng cường bản chất giai cấp công nhân của Đảng; nêu cao sự gương mẫu của tổ chức Đảng và của mỗi đảng viên. Thực tế hiện nay, những người đứng đầu các cơ quan Nhà nước từ trung ương đến cơ sở đều là những người trong cơ quan lãnh đạo của Đảng, như Uỷ viên Bộ Chính trị, uỷ viên Ban chấp hành trương ương Đảng ở Trung ương, Thường vụ cấp uỷ, cấp uỷ viên ở các cấp chính quyền địa phương. Phương thức lãnh đạo hiệu quả nhất, thiết thực nhất có thể khẳng định là vai trò cá nhân của những đảng viên giữ trọng trách trong các cơ quan nhà nước và các tổ chức chính trị-xã hội, bởi mọi quyết định, mọi biện pháp, mọi hành động đều bắt đầu từ những người đứng đầu trong các cơ quan đó. Do vậy, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng phải gắn liền với việc chăm lo nhiều hơn việc giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên, trước hết là những đảng viên có chức, có quyền thật sự gương mẫu trong chấp hành pháp luật, trong đạo đức, lối sống, trong công tác, học tập, thực hành "cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư", tích cực phòng, chống tham nhũng. Thực hiện tốt những vấn đề trên thì hiệu quả đưa lại sẽ vô cùng to lớn trong toàn bộ sự nghiệp cách mạng của Đảng cũng như trong công tác xây dựng Đảng.
Ba là, xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân vững mạnh
Chính quyền là vấn đề cơ bản của mọi cuộc cách mạng, trong điều kiện Đảng cầm quyền, Nhà nước là công cụ để Đảng quản lý, điều hành xã hội, thực hiện ý chí, mục tiêu của Đảng. Do vậy, Nhà nước vững mạnh, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả thì Đảng mạnh, ngược lại Nhà nước yếu, hoạt động kém hiệu lực, hiệu quả không chỉ làm cho Đảng suy yếu mà còn chứa đựng những nguy cơ khôn lường đối với Đảng.
Xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là một trong những điều kiện và môi trường tiên quyết của một quốc gia tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa và một xã hội phát triển tiên tiến, đồng thời, cần xây dựng Nhà nước thật sự trong sạch, vững mạnh, đủ sức xây dựng hệ thống thể chế đồng bộ và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ theo đường lối của Đảng. Nhà nước phải thật sự là người phục vụ nhân dân, đáp ứng các nhu cầu hợp pháp của nhân dân, người bảo vệ mọi lợi ích chính đáng của nhân dân.
Để bảo đảm quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, trong đó nhà nước là của nhân dân chứ không phải nhân dân là của nhà nước, Đảng cần tập trung lãnh đạo đề cao tính hợp hiến, hợp pháp trong tổ chức và hoạt động của nhà nước, bảo đảm cho sự phát triển tự do tối đa của nhân dân, làm cho cả hai mặt dân chủ và pháp luật trong nhà nước pháp quyền phải được gắn bó hữu cơ, làm tiền đề tồn tại cho nhau và tạo nên bản chất của nhà nước pháp quyền. Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân là cách thức cơ bản để phát huy dân chủ và quyền làm chủ của nhân dân. Lãnh đạo giải quyết tốt mối quan hệ nhà nước pháp quyền, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và xã hội công dân là bộ ba hợp thành không thể tách rời, là điều kiện và tiền đề cho nhau, bảo đảm và kết quả của công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đảm bảo cho mỗi người dân tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội, tham gia thảo luận các vấn đề chung của cả nước và địa phương, kiến nghị, đề đạt nguyện vọng, yêu cầu của mình với các cơ quan nhà nước. Công dân có quyền tự do ngôn luận, khiếu nại, tố cáo; có điều kiện kiểm tra hoạt động của Nhà nước. Trong việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân, cần khẳng định các mối quan hệ chủ đạo giữa các nguyên tắc và yêu cầu của nhà nước pháp quyền với hệ thống chính trị duy nhất một đảng lãnh đạo và phương thức tổ chức nhà nước tập trung có phân công, phối hợp giữa các cơ quan nhà nước thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp; với việc tôn trọng các quyền tự do của công dân và nghĩa vụ, trách nhiệm của công dân trong việc bảo đảm một xã hội trật tự, kỷ cương. Sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước không phải chỉ dựa vào quyền uy, mệnh lệnh, mà là bằng trí tuệ, năng lực lãnh đạo của Đảng, ở khả năng vạch ra đường lối chính trị đúng đắn, ở sự gắn bó với nhân dân và khả năng giáo dục, thuyết phục toàn xã hội chấp thuận, ở vai trò tiên phong của đảng viên và tổ chức đảng trong các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức kinh tế, các tổ chức xã hội - nghề nghiệp...
Di sản Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại trong Di chúc không phải là của cải, tiền bạc, sự kế thừa địa vị mà là những lời dặn dò tâm huyết, những bài học được đúc kết từ thực tế cuộc đời hoạt động cách mạng của Người và từ kết quả của tiến trình lịch sử cách mạng Việt Nam. Chính vì vậy, Di chúc của Người không những có ý nghĩa thiêng liêng với hiện tại mà còn nguyên giá trị to lớn đối với tương lai. Ánh sáng của các tư tưởng về Đảng và xây dựng Đảng trong Di chúc sẽ mãi mãi soi rọi, dẫn đường, chỉ lối cho việc xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam thực sự chân chính, cách mạng, xứng đáng vai trò cầm quyền lãnh đạo Nhà nước và nhân dân thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét